Măng Đen – Lịch sử dân cư
Trong lịch sử, địa bàn thị trấn Măng Đen là nơi cư trú lâu đời của người Mơ Nâm – một nhánh của dân tộc Xơ Đăng, thuộc giống người Indonésien (Anh-đô-nê-dieng), nói tiếng Môn Khmer, ngữ hệ Nam Á.
Từ cuối thế kỷ XIX trở về trước, người Mơ Nâm sống ở địa bàn thị trấn Măng Đen ngày nay vẫn đang là ẩn số đối với các nhà nghiên cứu dân tộc học, chưa ai biết rõ về họ. Các dấu tích và hiện vật khảo cổ về thời kỳ tiền sử vẫn chưa phát hiện. Qua các cứ liệu lịch sử, đặc biệt trong cuốn Vũ Man Tạp lục thư được Ôn Khê Nguyễn Tấn viết vào năm 1871 chỉ nhắc đến dân tộc Ba Nam (tức người Mơ Nâm), sống ở sâu trong rừng rậm nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Ngãi. Về sau, các công trình nghiên cứu về các dân tộc ở Kon Tum và Tây Nguyên chỉ giới thiệu sơ lược, chưa có tính hệ thống, cụ thể về người Mơ Nâm.
Qua nhiều câu chuyện được các “Vi Kră” (chỉ những người già, lớn tuổi trong làng) kể lại, người Mơ Nâm xưa nay vẫn sinh sống trên cao nguyên Kon Plông và tập trung tại các xã Măng Cành, xã Hiếu, thị trấn Măng Đen. Theo truyền thuyết, người Mơ Nâm, Tơ Đrá, Ca Dong, Xơ Teng đều cho rằng: “Trong trận đại hồng thủy, đất trời đen tối, nước dâng cao, làng mạc và cây cối đều ngập nước, chỉ có người phụ nữ và con chó sống sót được khi họ chạy lên những đỉnh núi cao trong vùng”. Ở vùng Mơ Nâm, người ta chỉ đến dấu tích của ngọn núi Ngok K’Bum (trên các bản đồ xưa đều ghi Ngok Boum), ngày nay thuộc làng Đăk Ne, nằm ở trung tâm của xã Măng Cành. Một số người già ở làng Kon Bring còn lưu truyền câu chuyện về Pling Huynh và 7 người con trai là Gu Kăng Đam, Gu Kăng Rpong, Gu Kăng Zơ Ri, Gu Kăng Zui, Gu Kăng Săng, Gu Kăng Lung và Gu Kăng Pô đã xuống vùng đất Diang Rơ Măng (theo tiếng Ba Na Jơ Lâng là chỗ bằng) để tạo nên con người và hình thành 7 ngôi làng của người Mơ Nâm (theo Hồ sơ di tích Lịch sử và Danh thắng Măng Đen, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum năm 2000). Ngày nay, dấu tích của những hồ nước vẫn còn tồn tại và đang được chính quyền địa phương bảo tồn, tu bổ nhằm phát triển du lịch sinh thái.
Người Mơ Nâm sống theo từng cụm nhỏ và mỗi làng có lãnh thổ riêng được quy định bởi các đời trước và con cháu là người thừa kế và thi hành. Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, có một trận dịch đậu mùa xảy ra trên diện rộng, khắp vùng Bắc Tây Nguyên. Những cư dân ở khu vực Kbang của tỉnh Gia Lai đã di cư lên cao nguyên Kon Plông và định cư ở khu vực Kon R’Leng và sống cùng với người Mơ Nâm ở đây. Về sau, nhóm cư dân này vẫn tự nhận mình là người Mơ Nâm (theo lời kể của bà Y Văng (sinh 1930) ở làng Kon Rleng, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông).
Từ thập niên 30 của thế thế kỷ XX, chính quyền thực dân Pháp đặt nền cai trị trực tiếp trên địa bàn cư trú của người Mơ Nâm. Tuy nhiên, các ngôi làng của người Mơ Nâm ở địa bàn thị trấn Măng Đen vẫn chưa có sự xáo trộn lớn.
Từ sau năm 1960, với chính sách dồn dân lập ấp của Ngô Đình Diệm, các làng của người Mơ Nâm dồn về khu căn cứ quân sự và trên các trục lộ giao thông, nhằm dễ khống chế và kiểm soát. Từ đó, một số làng có sự thay đổi về vị trí cư trú hoặc một số tên làng không còn tồn tại hoặc hình thành nên một số làng mới trên cơ sở nhiều làng gộp lại. Sau năm 1975, nhiều tên làng của người Mơ Nâm ở thị trấn Măng Đen đã không còn tồn tại vì lý do sáp nhập, chia tách như làng Kon Doa, Măng Gôr, Kon Pet, Kon Vong…
Tháng 9/1975, Huyện ủy Kon Plông quyết định dời toàn bộ cơ quan từ xã Nước Lò (Ngok Tem) về đứng chân tại địa bàn Măng Đen. Tuy nhiên, sau 2 năm, vì gặp phải khó khăn về nước sinh hoạt và thời tiết nên đã dời về thung lũng Đăk Rve. Cho đến năm 1978, Lâm trường Măng Cành được thành lập trên địa bàn Măng Đen, với mục đích trồng rừng và khai thác nhựa thông trên địa bàn Măng Đen đến các xã Măng Cành, xã Hiếu thuộc huyện Kon Plông. Từ đó, một số công nhân người Kinh từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa lần lượt lên đây định cư và làm ăn. Năm 1980, số công nhân ngày càng đông, đã có 20 hộ sống tại ở khu vực Măng Đen gần hồ Đăk Đam và thành một làng nhỏ người Kinh đầu tiên ở Măng Đen, người dân thường gọi là “làng ông Tạn” (ông Nguyễn Như Tạn là Giám đốc Lâm trường nhựa thông Kon Plông, đã giúp nhiều người ở quê Hà Tĩnh lên Măng Đen sinh sống lập nghiệp).
Ngày 31/1/2002, huyện Kon Plông chia tách và thành lập lại, nhiều người dân lên đây buôn bán, làm ăn và sinh sống cùng với số cán bộ công chức, viên chức của huyện được điều động về làm việc. Từ đó, số lượng người Kinh và người Hrê, Ka Dong, Mường… lần lượt có mặt trên địa bàn thị trấn Măng Đen ngày càng đông.
Năm 2004, thành lập thôn Măng Đen trên cơ sở số dân người Kinh ở tại khu vực Lâm trường Măng Cành và thôn Kon Bring, thuộc xã Đăk Long, huyện Kon Plông. Dân số ban đầu có khoảng 300 người. Đây là thôn người Kinh đầu tiên có mặt trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Theo số liệu thống kê năm 2020, thị trấn Măng Đen có tổng dân số là 5.209 người, trong đó, người Kinh có 3.173 người, 1.016 hộ; người Mơ Nâm (Xơ Đăng) có 1.769 người, 603 hộ; người Mường có 55 người, 15 hộ; người Hrê có 27 người, 7 hộ; người Ka Dong có 22 người, 7 hộ và các dân tộc khác có 126 người và 34 hộ. Dân cư ở thị trấn Măng Đen phân bố ở 4 tổ dân phố và 6 thôn Kon Bring, Kon Xuh, Kon Braih, Kon Leng, Vong Kia, Kon Chốt.
Huyện Kon Plông
Huyện Kon Plông được thành lập trên cơ sở tách huyện Kon Plông (cũ) để thành lập huyện Kon Rẫy và huyện Kon Plông (theo Nghị định số 14/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ), trung tâm hành chính huyện Kon Plông chuyển về thôn Măng Đen, xã Măng Cành (nay là xã Đăk Long).
Được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành ở Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông đã đầu tư xây dựng để từng bước hoàn thiện cơ sở hại tầng kỹ thuật tại trung tâm hành chính huyện, theo hướng đô thị kết hợp với du lịch sinh thái đạt tiêu chuẩn của đô thị miền núi; khu vực này đã phát huy mạnh mẽ chức năng đô thị, trung tâm chính trị, kinh tế – xã hội, khoa học kỹ thuật, an ninh – quốc phòng của huyện, đồng thời tạo ra động lực góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đặc biệt, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ngành, các cấp và sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân các dân tộc trong trong khu vực đã góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế – xã hội đúng định hướng. Tổng giá trị gia tăng bình quân (theo giá cố định năm 2010) năm 2013 là 727,57 tỷ đồng. Trong đó: ngành nông, lâm, thủy sản 214,15 tỷ đồng; công nghiệp – xây dựng là 336,94 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ 176,48 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22,0%; thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 14,23 triệu đồng/người/năm.
Ngày 05/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 298/QĐ – TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2030. Trong đó, quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Kon Plông (138.115,92 ha), với tính chất là vùng bảo tồn sinh thái, rừng quốc gia; là vùng du lịch nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ phát triển du lịch sinh thái. Đây là cở sở để huyện Kon Plông đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng xây dựng đô thị Măng Đen trở thành vùng du lịch sinh thái Quốc gia, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước và phấn đấu đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV vào năm 2030.
Tại trung tâm hành chính huyện hiện nay đã đáp ứng yêu cầu đô thị hoá gắn với khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen. Đây là vùng kinh tế động lực của tỉnh, thời gian quan đã thu hút mạnh các dự án đầu tư phát triển du lịch, các loại hình dịch vụ phát triển mạnh, du khách đông đảo trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Măng Đen, đây là cơ hội để khai thác tốt tiềm năng vốn có, tạo sự phát triển trên nhiều kĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, và đặc biệt là từng bước quảng bá rộng rãi đến du khách, bạn bè bốn phương về Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen và du lịch Kon Tum. Mặt khác, khu vực quy hoạch phát triển thị trấn Măng Đen (bao gồm các thôn Măng Đen, Kon Pring của xã Đăk Long, thôn Kon Năng và một phần thôn Kon Tu Rằng của xã Măng Cành) đã được đầu tư những hạng mục công trình để phát triển du lịch sinh thái và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội