Home / Măng Đen – Ý nghĩa tên gọi và lịch sử hình thành

Măng Đen – Ý nghĩa tên gọi và lịch sử hình thành

  • Măng Đen – Ý nghĩa lịch sử
  • Lịch sử dân cư
  • Huyện Kon Plông
  • Điểm đến độc đáo

Măng Đen là thị trấn huyện lỵ của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Địa lý

Thị trấn Măng Đen nằm ở phía nam huyện Kon Plông, trên cao nguyên Măng Đen, ở độ cao khoảng 1200 mét so với mực nước biển. Thị trấn có quốc lộ 24 đi qua, nằm cách thành phố Kon Tum khoảng 50 km về phía đông bắc và cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 140 km về phía tây nam. Măng Đen có vị trí địa lý:

  • Phía đông giáp xã Hiếu và tỉnh Gia Lai
  • Phía tây giáp xã Măng Cành và huyện Kon Rẫy
  • Phía nam giáp huyện Kon Rẫy
  • Phía bắc giáp xã Măng Cành và xã Ngọc Tem.

Thị trấn Măng Đen có diện tích 148,07 km², dân số 6.913 người, mật độ dân số đạt 47 người/km² (Thống kê năm 2018).

Do nằm ở độ cao 1200 mét so với mực nước biển, được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng nguyên sinh bao quanh, thị trấn có nền khí hậu miền núi ôn hòa mát dịu quanh năm. Bên cạnh thảm rừng nguyên sinh, cảnh quan thiên nhiên nơi đây còn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và nông nghiệp cây xứ lạnh, cây dược liệu do độ ẩm cao, thổ nhưỡng phù hợp, địa hình đa phần gò đồi thấp, cùng hệ thống sông, suối và nhiều hồ, thác nước.

Ngay từ những thập niên đầu thế kỷ 20, người Pháp đã đến Măng Đen khảo sát, đưa cây thông vào trồng với ý định xây dựng một trạm nghỉ dưỡng trên vùng đất này. Vì khí hậu và cảnh quan đặc biệt, có nhiều nét tương đồng với Đà Lạt nên nơi đây được ví như là Đà Lạt của vùng Bắc Tây Nguyên, và hiện được quy hoạch để trở thành Khu du lịch sinh thái quốc gia.

Măng Đen là vùng đất cổ có cấu tạo địa chất lâu dài và phức tạp, được hình thành từ thời kỳ Tiền Cambri cách đây khoảng 2.500 triệu năm. Cùng với quá trình vận động của vỏ Trái Đất vào cuối Kỷ Đệ Tam, Măng Đen chịu ảnh hưởng từ sức dội của vận động uốn nếp dãy Himalaya. Sang Kỷ Đệ Tứ, một mặt dung nham bazan tràn ra, mặt khác các hoạt động nâng lên theo các nếp oằn đứt gãy từ trước, các khối tảng Ngọc Linh, Pleiku tiếp tục ổn định, còn Măng Đen không thuộc hệ núi Ngọc Linh mà nó là khúc đuôi về phía Đông Bắc của cao nguyên Pleiku, với một địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa mát mẻ của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, với dải đất đỏ bazan trù phú.

Lịch sử

Tên gọi của thị trấn xuất phát từ tên T’măng Deeng của người Mơ Nâm, có nghĩa là vùng đất bằng phẳng và rộng lớn.

Địa bàn thị trấn Măng Đen trước đây là một phần xã Măng Cành thuộc huyện Kon Plông.

Măng Đen khi đó chỉ là tên của một số địa danh như cao nguyên Măng Đen, thôn Măng Đen (nơi đặt huyện lỵ của huyện Kon Plông)…

Ngày 8 tháng 1 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2004/NĐ-CP. Theo đó, thành lập xã Đăk Long trên cơ sở 13.555 ha diện tích tự nhiên và 2.054 người của xã Măng Cành.

Ngày 16 tháng 7 năm 2019, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 720/NQ-UBTVQH14 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9 năm 2019). Theo đó, thành lập thị trấn Măng Đen, thị trấn huyện lỵ huyện Kon Plông trên cơ sở toàn bộ 148,07 km² diện tích tự nhiên và 6.913 người của xã Đăk Long.

Hành chính

Thị trấn Măng Đen được chia thành 4 tổ dân phố: Kon Pring, Kon Chốt, Kon Brayh, Kon Xủh.

Du lịch

Các điểm tham quan:

  • Hồ Toong Đam
  • Thác Đăk Ke
  • Rừng già Kon Plong
  • Đức Mẹ Măng Đen
  • Thác Pa Sĩ
  • Chùa Khánh Lâm
  • Vườn thực nghiệm
  • Vườn hoa thanh niên
  • Nhà rông KonPring
  • Tượng đài chiến thắng Măng Đen
  • Di tích lịch sử Măng Đen
  • Những đồi hoa sim, hoa mua
  • Rừng thông Măng Đen
  • Sân bay Măng Đen

Đặc sản

  • Thịt hun khói Huệ Tâm Măng Đen
  • Chuối hột rừng Kon Tum
  • Măng le Kon Tum
  • Gà Nướng Măng Đen
  • Cá Tầm Măng Đen
  • Gỏi Lá Măng Đen
  • Rượu vang sim rừng Măng Đen

Khách sạn – Resort – Homestay

  • Khách sạn Măng Đen giá rẻ bình dân view đẹp nhất:
    • 1. Le Plateau Hostel Măng Đen
    • 2. Khách sạn Golden Boutique Măng Đen
    • 3. Khách sạn Hoàng Vũ Măng Đen
    • 4. Khách sạn Long Vũ Măng Đen
    • 5. Khách sạn Ê ban Măng Đen
  • Khách sạn Măng Đen nổi tiếng ở trung tâm thị trấn:
    • 6. Khách sạn Hoa Sim Măng Đen
    • 7. Khách sạn Măng Đen xanh
    • 8. Khách sạn T&T Măng Đen
  • Nhà nghỉ Măng Đen giá bình dân:
    • 9. Nhà nghỉ Cát Tường
    • 10. Nhà nghỉ Văn Tân
    • 11. Khách sạn Ngọc Linh
    • 12. Khách sạn Toki Măng Đen

Măng Đen – Lịch sử dân cư

Trong lịch sử, địa bàn thị trấn Măng Đen là nơi cư trú lâu đời của người Mơ Nâm – một nhánh của dân tộc Xơ Đăng, thuộc giống người Indonésien (Anh-đô-nê-dieng), nói tiếng Môn Khmer, ngữ hệ Nam Á.

Từ cuối thế kỷ XIX trở về trước, người Mơ Nâm sống ở địa bàn thị trấn Măng Đen ngày nay vẫn đang là ẩn số đối với các nhà nghiên cứu dân tộc học, chưa ai biết rõ về họ. Các dấu tích và hiện vật khảo cổ về thời kỳ tiền sử vẫn chưa phát hiện. Qua các cứ liệu lịch sử, đặc biệt trong cuốn Vũ Man Tạp lục thư được Ôn Khê Nguyễn Tấn viết vào năm 1871 chỉ nhắc đến dân tộc Ba Nam (tức người Mơ Nâm), sống ở sâu trong rừng rậm nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Ngãi. Về sau, các công trình nghiên cứu về các dân tộc ở Kon Tum và Tây Nguyên chỉ giới thiệu sơ lược, chưa có tính hệ thống, cụ thể về người Mơ Nâm.

Qua nhiều câu chuyện được các “Vi Kră” (chỉ những người già, lớn tuổi trong làng) kể lại, người Mơ Nâm xưa nay vẫn sinh sống trên cao nguyên Kon Plông và tập trung tại các xã Măng Cành, xã Hiếu, thị trấn Măng Đen. Theo truyền thuyết, người Mơ Nâm, Tơ Đrá, Ca Dong, Xơ Teng đều cho rằng: “Trong trận đại hồng thủy, đất trời đen tối, nước dâng cao, làng mạc và cây cối đều ngập nước, chỉ có người phụ nữ và con chó sống sót được khi họ chạy lên những đỉnh núi cao trong vùng”. Ở vùng Mơ Nâm, người ta chỉ đến dấu tích của ngọn núi Ngok K’Bum (trên các bản đồ xưa đều ghi Ngok Boum), ngày nay thuộc làng Đăk Ne, nằm ở trung tâm của xã Măng Cành. Một số người già ở làng Kon Bring còn lưu truyền câu chuyện về Pling Huynh và 7 người con trai là Gu Kăng Đam, Gu Kăng Rpong, Gu Kăng Zơ Ri, Gu Kăng Zui, Gu Kăng Săng, Gu Kăng Lung và Gu Kăng Pô đã xuống vùng đất Diang Rơ Măng (theo tiếng Ba Na Jơ Lâng là chỗ bằng) để tạo nên con người và hình thành 7 ngôi làng của người Mơ Nâm (theo Hồ sơ di tích Lịch sử và Danh thắng Măng Đen, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum năm 2000). Ngày nay, dấu tích của những hồ nước vẫn còn tồn tại và đang được chính quyền địa phương bảo tồn, tu bổ nhằm phát triển du lịch sinh thái.

Người Mơ Nâm sống theo từng cụm nhỏ và mỗi làng có lãnh thổ riêng được quy định bởi các đời trước và con cháu là người thừa kế và thi hành. Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, có một trận dịch đậu mùa xảy ra trên diện rộng, khắp vùng Bắc Tây Nguyên. Những cư dân ở khu vực Kbang của tỉnh Gia Lai đã di cư lên cao nguyên Kon Plông và định cư ở khu vực Kon R’Leng và sống cùng với người Mơ Nâm ở đây. Về sau, nhóm cư dân này vẫn tự nhận mình là người Mơ Nâm (theo lời kể của bà Y Văng (sinh 1930) ở làng Kon Rleng, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông).

Từ thập niên 30 của thế thế kỷ XX, chính quyền thực dân Pháp đặt nền cai trị trực tiếp trên địa bàn cư trú của người Mơ Nâm. Tuy nhiên, các ngôi làng của người Mơ Nâm ở địa bàn thị trấn Măng Đen vẫn chưa có sự xáo trộn lớn.

Từ sau năm 1960, với chính sách dồn dân lập ấp của Ngô Đình Diệm, các làng của người Mơ Nâm dồn về khu căn cứ quân sự và trên các trục lộ giao thông, nhằm dễ khống chế và kiểm soát. Từ đó, một số làng có sự thay đổi về vị trí cư trú hoặc một số tên làng không còn tồn tại hoặc hình thành nên một số làng mới trên cơ sở nhiều làng gộp lại. Sau năm 1975, nhiều tên làng của người Mơ Nâm ở thị trấn Măng Đen đã không còn tồn tại vì lý do sáp nhập, chia tách như làng Kon Doa, Măng Gôr, Kon Pet, Kon Vong…

Tháng 9/1975, Huyện ủy Kon Plông quyết định dời toàn bộ cơ quan từ xã Nước Lò (Ngok Tem) về đứng chân tại địa bàn Măng Đen. Tuy nhiên, sau 2 năm, vì gặp phải khó khăn về nước sinh hoạt và thời tiết nên đã dời về thung lũng Đăk Rve. Cho đến năm 1978, Lâm trường Măng Cành được thành lập trên địa bàn Măng Đen, với mục đích trồng rừng và khai thác nhựa thông trên địa bàn Măng Đen đến các xã Măng Cành, xã Hiếu thuộc huyện Kon Plông. Từ đó, một số công nhân người Kinh từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa lần lượt lên đây định cư và làm ăn. Năm 1980, số công nhân ngày càng đông, đã có 20 hộ sống tại ở khu vực Măng Đen gần hồ Đăk Đam và thành một làng nhỏ người Kinh đầu tiên ở Măng Đen, người dân thường gọi là “làng ông Tạn” (ông Nguyễn Như Tạn là Giám đốc Lâm trường nhựa thông Kon Plông, đã giúp nhiều người ở quê Hà Tĩnh lên Măng Đen sinh sống lập nghiệp).

Ngày 31/1/2002, huyện Kon Plông chia tách và thành lập lại, nhiều người dân lên đây buôn bán, làm ăn và sinh sống cùng với số cán bộ công chức, viên chức của huyện được điều động về làm việc. Từ đó, số lượng người Kinh và người Hrê, Ka Dong, Mường… lần lượt có mặt trên địa bàn thị trấn Măng Đen ngày càng đông.

Năm 2004, thành lập thôn Măng Đen trên cơ sở số dân người Kinh ở tại khu vực Lâm trường Măng Cành và thôn Kon Bring, thuộc xã Đăk Long, huyện Kon Plông. Dân số ban đầu có khoảng 300 người. Đây là thôn người Kinh đầu tiên có mặt trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Theo số liệu thống kê năm 2020, thị trấn Măng Đen có tổng dân số là 5.209 người, trong đó, người Kinh có 3.173 người, 1.016 hộ; người Mơ Nâm (Xơ Đăng) có 1.769 người, 603 hộ; người Mường có 55 người, 15 hộ; người Hrê có 27 người,  7 hộ; người Ka Dong có 22 người, 7 hộ và các dân tộc khác có 126 người và 34 hộ. Dân cư ở thị trấn Măng Đen phân bố ở 4 tổ dân phố và 6 thôn Kon Bring, Kon Xuh, Kon Braih, Kon Leng, Vong Kia, Kon Chốt.

Măng Đen - Ý nghĩa tên gọi và lịch sử hình thành

Huyện Kon Plông

Huyện Kon Plông được thành lập trên cơ sở tách huyện Kon Plông (cũ) để thành lập huyện Kon Rẫy và huyện Kon Plông (theo Nghị định số 14/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ), trung tâm hành chính huyện Kon Plông chuyển về thôn Măng Đen, xã Măng Cành (nay là xã Đăk Long).

Được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành ở Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông đã đầu tư xây dựng để từng bước  hoàn thiện cơ sở hại tầng kỹ thuật tại trung tâm hành chính huyện, theo hướng đô thị kết hợp với du lịch sinh thái đạt tiêu chuẩn của đô thị miền núi; khu vực này đã phát huy mạnh mẽ chức năng đô thị, trung tâm chính trị, kinh tế – xã hội, khoa học kỹ thuật, an ninh – quốc phòng của huyện, đồng thời tạo ra động lực góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đặc biệt, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ngành, các cấp và sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân các dân tộc trong trong khu vực đã góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế – xã hội đúng định hướng. Tổng giá trị gia tăng bình quân (theo giá cố định năm 2010) năm 2013 là 727,57 tỷ đồng. Trong đó: ngành nông, lâm, thủy sản 214,15 tỷ đồng; công  nghiệp – xây dựng là 336,94 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ 176,48 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22,0%; thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 14,23 triệu đồng/người/năm.

Ngày 05/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 298/QĐ – TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2030. Trong đó, quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Kon Plông (138.115,92 ha), với tính chất là vùng bảo tồn sinh thái, rừng quốc gia; là vùng du lịch nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ phát triển du lịch sinh thái. Đây là cở sở để huyện Kon Plông đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng xây dựng đô thị Măng Đen trở thành vùng du lịch sinh thái Quốc gia, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước và phấn đấu đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV vào năm 2030.

Tại trung tâm hành chính huyện hiện nay đã đáp ứng yêu cầu đô thị hoá gắn với khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen. Đây là vùng kinh tế động lực của tỉnh, thời gian quan đã thu hút mạnh các dự án đầu tư phát triển du lịch, các loại hình dịch vụ phát triển mạnh, du khách đông đảo trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Măng Đen, đây là cơ hội để khai thác tốt tiềm năng vốn có, tạo sự phát triển trên nhiều kĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, và đặc biệt là từng bước quảng bá rộng rãi đến du khách, bạn bè bốn phương về Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen và du lịch Kon Tum. Mặt khác, khu vực quy hoạch phát triển thị trấn Măng Đen (bao gồm các thôn Măng Đen, Kon Pring của xã Đăk Long, thôn Kon Năng và một phần thôn Kon Tu Rằng của xã Măng Cành) đã được đầu tư những hạng mục công trình để phát triển du lịch sinh thái và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội

Thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên với những đặc trưng riêng có của thiên nhiên ban tặng.

Điểm đến độc đáo Măng Đen – Kon Tum

Với không gian tự nhiên, nguyên thủy của hệ sinh thái, sự hoang sơ và thuần khiết như bông hoa rừng vừa hé nở là yếu tố tạo cho Khu Du lịch Sinh thái Măng Đen có sức hấp dẫn mà ít nơi nào có được, đã làm biết bao người rung động khi lần đầu đặt chân đến Măng Đen.

Tây Nguyên được xác định là một trong 7 vùng du lịch đặc thù của Việt Nam trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Khu Du lịch Sinh Thái Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là một trong 31 khu vực có quy mô và tiềm năng du lịch đặc biệt nổi trội ở Việt Nam được Nhà nước ưu tiên đầu tư để phát triển thành khu du lịch quốc gia. Khi nói đến vùng văn hóa – du lịch Tây Nguyên là chúng ta nghĩ ngay đến không gian văn hóa cồng chiêng, kho tàng sử thi, đến kiến trúc nhà rông, đến cà phê Buôn Mê Thuật và các ca khúc sôi động, giàu sức sống… Tất cả những hình ảnh, ngôn ngữ và âm thanh đó tạo nên một Tây nguyên bản năng, mạnh mẽ, đầy sức lối cuốn và cám dỗ.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tỉnh Kon Tum có vị trí, vai trò hết sức quan trọng của vùng Tây Nguyên trong phát triển Du lịch của cả nước và hợp tác phát triển du lịch của khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, trong đó: Đẩy mạng việc đa dạng hoá các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tiềm năng và thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số; tập trung phát triển du lịch sinh thái rừng núi, thác hồ. Phát huy có hiệu quả tài nguyên khí hậu đặc thù để hình thành và phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở Măng Đen, là dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư thời kỳ 2012-2020 vùng Tây Nguyên.

Thế mạnh về vị trí địa lý của tỉnh Kon Tum cùng nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú phân bố trên cả tỉnh như: Lòng hồ Ya Ly, lòng hồ Pleikrông, vườn quốc gia Chưmomray, khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh … cùng nhiều di tích lịch sử cách mạng: Ngục Kon Tum, Ngục Đắkglei, tượng đài chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh…, di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật: Chùa Bác Ái, Nhà thờ Gỗ, Chủng viện…, lễ hội: Cồng chiêng, mừng nhà rông, mừng lúa mới… đặc sắc, đã tạo ra sức hấp dẫn tổng thể cuốn hút du khách đến với Kon Tum, đến với Khu Du lịch Sinh thái Măng Đen.

Măng Đen có vẻ đẹp hoang sơ và thuần khiết giống như hình ảnh của cô gái thôn quê mới lớn: Dung dị, mộc mạc và hồn nhiên. Bởi vậy, nghỉ dưỡng sinh thái là thế mạnh chủ đạo của Măng Đen. Nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, quanh năm mát mẻ, với bạt ngàn rừng thông, với cảnh quan hữu tình của hồ, thác, với hệ sinh thái nhân văn của các dân tộc thiểu số như: Xê Đăng, Kdoong, Mơnâm,…tạo cho Măng Đen khoác trên mình một chiếc áo đẹp nhiều màu sắc.

Măng Đen có vị trí quan trọng về giao lưu kinh tế, đặc biệt là vị trí trung chuyển nằm trên tuyến quốc lộ 24 nối liền tỉnh Kon Tum với các tỉnh duyên hải miền Trung; nằm trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y đi qua quốc lộ 24 tới các khu du lịch ven biển miền Trung. Thông qua cửa khẩu này, khách du lịch có thể tới các khu du lịch tại Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) trong đó có Măng Đen của Kon Tum, miền Trung Việt Nam (Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi), Nam Lào, Đông – Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan.

Măng Đen có vị trí rất đặc biệt, nằm giữa 2 ngọn đèo lớn là đèo Măng Đen và đèo Viôlắk (Quảng Ngãi), khu vực Măng Đen hầu như còn nguyên sinh, diện tích rừng chiếm trên 80% diện tích tự nhiên, có trên 4.000 ha rừng thông tạo thêm tính đa dạng và có nét tương đồng với Đà Lạt. Măng Đen nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình dao động18oC – 20oC. Dân tộc thiểu số chiếm gần 90% tổng dân số.

Xuất phát từ việc coi trọng giá trị nguyên sơ, hoang dã là “của quý” không chỉ riêng của Măng Đen, của Tây Nguyên, của Việt Nam mà là sự “hiếm có” của thế giới trong bối cảnh đô thị hóa và toàn cầu hóa hiện nay. Xuất phát từ nhu cầu du lịch sinh thái đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, tỉnh Kon Tum đã và đang hướng đến xây dựng Măng Đen thành một vùng nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tham quan, giải trí… đúng với ý nghĩa đích thực của du lịch sinh thái. Quan điểm phát triển đối với khu du lịch sinh thái Măng Đen là mong muốn có một sản phẩm đặc thù, một thương hiệu độc đáo và hình ảnh riêng biệt cho Măng Đen, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách du lịch hiện đại.

Sản phẩm du lịch sẽ phải thân thiện với thiên nhiên, với các hệ sinh thái tự nhiên, có sự tham gia của cộng đồng dân cư với những nét văn hóa độc đáo về văn hóa bản địa của họ. Măng Đen được xác định là khu du lịch sinh thái quốc gia, thì sản phẩm du lịch phải có chất lượng, có tầm cỡ quốc gia và phải kết nối với các vùng du lịch trọng điểm khác trong tổng thể du lịch của vùng Tây Nguyên, khu vực duyên hải miền Trung và Nam Trung trung bộ.

Để tạo ra các sản phẩm đặc sắc, khác biệt, mang dấu ấn địa phương, cần kết hợp khéo léo giữa các di sản phi vật thể và vật thể, các công trình kiến trúc tiêu biểu, nghệ thuật ẩm thực với cảnh quan và thiên thiên nhiên tươi đẹp của địa phương. Với thực trạng tiềm năng, lợi thế, sự thu hút đầu tư, sản phẩm du lịch đặc trưng đang được phát triển mạnh ở Măng Đen như: Nuôi cá thương phẩm, nhân giống thành công các loài cá nước lạnh (cá tằm, cá hồi), sản phẩm trà sim, rượu sim, rau hoa xứ lạnh… Măng Đen có nhiều điều kiện để tạo dựng thương hiệu nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam cũng như bản đồ du lịch thế giới./

Thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên với những đặc trưng riêng có của thiên nhiên ban tặng.