Vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn

Vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn

Ông Ma Văn Toản – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Sơn, Lâm Bình cho biết: “Bản Biến nằm ở độ cao 400m, cư dân trên bản chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao chiếm với gần 90%…”.

Nằm sát Quốc lộ 279 cách Hà Nội 232km, con đường quanh co giữa những dãy núi đã vôi, hai bên đường là những cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ, đặc biệt có cây nghiến 1000 tuổi. Điều đặc biệt hơn nữa khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng khi đến Bản Biến, xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang. Con đường vào bản được ví như mê cung của những câu chuyện cổ tích bởi vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí. Cũng như nhiều xã ở Lâm Bình, mỗi địa danh đều mang theo những huyền thoại được lưu truyền qua rất nhiều thế hệ của đồng bào các dân tộc.

Cái tên Bản Biến cũng bắt đầu từ một truyền thuyết cổ được người dân lưu truyền từ đời này qua đời khác, chuyện rằng: Từ xa xưa lắm có một bản người Tày sông trong thung lũng này, vì quá lâu người ta cũng không nhớ bản có tên gì. Họ sống yên bình với hơn trăm nóc nhà, người dân nơi đây thuận hòa, hễ ai trong bảnắn bắn được thú gì cũng chia đều cho tất cả các gia đình trong bản và họ quy ước rằng chỉ dung tên nỏ thường mà không dung tên tẩm thuốc độc để săn bắn thú rừng.

Rồi một nhà kia, trong chuyến sang vùng bên có mang về một lọ thuốc độc vì nghe nói bắn thú bằng tên tẩm thuốc độc thú sẽ chết ngay mà không phải mất công đi tìm xác, họ nghĩ đơn giản thuốc độc chỉ làm chết thú chứ không chết người. Vợ chồng to nhỏ cùng nhau rồi cất lọ thuốc lên mái cọ, không ngờ cậu con trai nghe được và nhìn thấy. Một hôm cha mẹ đi nương, cậu bé ở nhà một mình và nhớ đến lọ thuốc mà cha giắt trên mái cọ, bèn lấy xuống thử. Cậu mang lọ thuốc vào rừng và ngồi vót tên dưới gốc cây to. Cứ vót được mũi tên nào là cậu tẩm mũi tên vào thuốc rồi cắm vào cái hốc nhỏ trên thân cây. Thuốc độc dần ngấm vào thân cây có con trăn không lồ chuyên ăn lá cây đó bị trúng độc rơi xuống chết. Thấy con trăn to quá dân hò nhau khiêng về bản, sẻ thịt chia cho từng nhà. Có một cụ bà góa ở cuối bản đi nương nên dân làng treo xâu thịt vào gác bếp cho bà. Khi về, bà thấy xâu thịt treo trên gác bếp, lúc thì tự dài ra chấm xuống nền nhà, lúc lại co lên như cũ. Bà sợ quá không dám ăn mà mang vứt ra bìa rừng. Hôm đó cả bản ăn thịt chăn, hôm sau cả làng chết hết chỉ còn lại mình bà lão. Thấy thế bà lão sợ quá, bỏ bản mà đi. Bản có tên Biến từ đấy với ý: Bản biến mất sau một đêm. Sau này khi người Dao xuống núi, thấy phong cảnh nơi đây đẹp họ ở lại sinh cơ lập nghiệp và giữ tên này cho đến ngày nay.

Nằm trong quần thể dãy núi đá vôi thuộc vòng cung sông Gâm. Bản Biến như được thiên nhiên bù đắp cho những mất mát khi xưa mà ban tặng cho nhiều danh thắng đẹp, là tuyến điểm được kết nối với các đia danh du lịch của huyện Lâm Bình, Tuyên Quang. Bản Biến đang sở hữu một quần thể di tích và danh thắng, đến đây du khách có thể tham quan các cùng hang động như: Thẳm Nặm, Thẳm Ngần (núi bạc), núi vàng Fia(núi vàng) hai ngọn núi gắn với sự tích núi vàng núi bạc. Chảy quanh co trong bản là con suối chảy quanh năm từ con thác Pù Chú ở cuối bản. Vào mùa thu hoạch, cánh đồng lúa chín rực vàng giữa những ngọn núi bao xung quanh tạo nên bức tranh tuyệt đẹp.

Trao đổi với phóng viên DĐDN, ông Ma Văn Toản – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Sơn, Lâm Bình cho biết: “Bản Biến nằm ở độ cao 400m, cư dân trên bản chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao chiếm với gần 90%. Bản biến đã và đang khai thác tiềm năng của mình bằng việc đầu tư xây dựng điểm du lịch cộng đồng. Hiện bản đã có 6 homestay đủ tiêu chuẩn phục vụ du khách với phòng ngủ riêng biệt và cộng đồng, 4 homestay đang được người dân đầu tư xây dựng có sự hỗ trợ của tỉnh. Thực hiện Đề án của tỉnh và huyện xã Phúc Sơn đang vận động bà con giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc; Phát triển các sản phẩm du lịch phục vụ du khách; Giữ gìn vệ sinh môi trường; xây dựng đường giao thông nông thôn mở đường đường lên các hang động, thác nước; Tạo các điểm nhấn thu hút khách tham quan, check in như: làm đường trên lúa, chỗ bơi mảng, tắm suối, khu nhà tại đồi cọ… “

Vẻ đẹp nguyên sơ như một bức tranh nằm biệt lập giữa núi cùng khu rừng nguyên sinh, khí hậu trong lành, mát mẻ. Nếu được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư hạ tầng như: Nâng cấp con đường chính chạy qua bản, xây dựng cầu qua suối đảm bảo an toàn cho du khách và người dân trong mùa lũ. Bản Biến trong tương lai gần sẽ là một trong những điểm hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm, khám phá và nghỉ dưỡng khi đến với Lâm Bình, Tuyên Quang.

Chùm ảnh về vẻ đẹp Bản Biến:

Vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn
Vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn
Vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn
Vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn
Vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn
Vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn
Vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn
Vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn