Độc đáo món ốc gác bếp ở miền Tây

Độc đáo món ốc gác bếp ở miền Tây

Ốc sau khi hít khói bếp từ 2-4 tháng vẫn còn sống, thịt béo ú. Khi ăn có mùi thơm của khói bếp, vị ngọt, thịt giòn sần sật.

Không ai nhớ rõ, món ốc gác bếp hay ốc treo giàn bếp này có tự bao giờ. Chỉ nghe người lớn kể lại rằng cứ vào mùa lũ rút, nội đồng bắt đầu khô cạn bà con đi bắt ốc để dành bằng cách treo trên giàn bếp chờ những tháng khô hay những ngày Tết mới dùng đến. Với hương vị thơm ngon, giòn giòn, béo béo, móc ốc gác bếp dần trở thành đặc sản vùng đất phương Nam.

Bà Dương Thị Ở (73 tuổi) ngụ xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ cho biết: “Món ăn này khoảng 5-7 năm nay, được gia đình hay chế biến, nhất là mỗi khi con, cháu ở xa về chơi để ăn. Thay vì chỉ luộc nước dừa, hấp tiêu hay nướng như thường khi mình gác bếp như thế này có thể để 2-3 tháng là chuyện thường, gác càng lâu con ốc càng béo mập”.

Không phải loại ốc nào cũng được sử dụng để làm ốc gác bếp, thường là ốc bươu đen, nhưng ngon nhất vẫn là ốc lác. Khi ốc bắt về sẽ được rửa sạch, lựa bỏ những con chết rồi để ráo. Sau đó bỏ vào chiếc giỏ tre và treo trên giàn bếp.

“Khi bắt ốc về mình phải lựa thật kỹ, không để lẫn ốc chết vào, bởi có ốc chết thường sẽ bị chết lây. Khi treo nên treo gần giàn bếp không quá gần mà cũng không quá xa, để phần khói bếp tỏ vào chiếc giỏ, cứ từ từ hông khói vậy khoảng 1 tuần là đã xong món ốc gác bếp” – bà Dương Thị Ở chia sẻ thêm.

Thường ốc treo giàn bếp khoảng một tuần trở lên là đạt yêu cầu và có thể đem chế biến thành các món ăn khác.

Khi nấu chọn những con ốc mím miệng cạy khó ra, mình ốc có màu xám như đang thiếu nước. Đem ốc đi rửa sạch, sau đó cho con ốc vào hỗn hợp sữa và trứng gà hoặc trứng vịt. Lúc này, do ốc nhịn khát lâu ngày khi nghe có nước ốc sẽ quơ râu uống sữa và trứng. Sau 30 phút đến một tiếng đồng, khi ốc đã uống hết nước là có thể cho vào nồi cùng ít sả đem đi luộc. Đến khi ốc há miệng là có thể thưởng thức.

“Gác bếp con ốc nó đói đem xuống phải để cho hột gà, sữa đánh chung vô, con ốc mới trắng mới sạch con ốc uống sữa đó mới đẹp, mới trắng mập mạp ngọt. Khi chế biến thịt mới ngon”.

Độc đáo món ốc gác bếp ở miền Tây

Ốc được chọn gác bếp thường ốc bươu đen, nhưng ngon nhất là ốc lác.

Độc đáo món ốc gác bếp ở miền Tây

Ốc gác bếp được bỏ vào giỏ tre và treo gần bếp củi, khi ngửi khói khoảng một tuần là thành phẩm.

Độc đáo món ốc gác bếp ở miền Tây

Ốc gác bếp có thể sống 2-3 tháng là chuyện bình thường, thịt ốc vẫn to, béo.

Độc đáo món ốc gác bếp ở miền Tây

Bà Ở đang cho những con ốc gác bếp vào hỗn hợp sữa và trứng gà hoặc trứng vịt, do ốc nhịn khát lâu ngày khi nghe có nước ốc sẽ quơ râu uống sữa và trứng. Cách làm này giúp phần thịt ốc vừa béo vừa trắng.

Độc đáo món ốc gác bếp ở miền Tây

Khi ốc đã uống hết nước là có thể cho vào nồi cùng ít sả đem đi luộc, ăn kèm chén nước mắm mẻ.

Từ một món ăn dân giã nhà nghèo, với vị ngon đặc trưng ốc gác bếp giờ trở thành đặc sản mà không chỉ người dân miền Tây yêu thích mà còn hấp dẫn du khách phương xa. Để ai đã từng niếm thử món ốc treo giàn bếp sẽ nhớ mãi.