Dược liệu Kon Tum: Ba kích

Ba kích Kon Tum

Ba kích có tên khoa học: Morinda officinalis How; tên khác ba kích, Ruột gà, Thao tày cáy (Mán), Ba kích thiên, Sáy cáy (Thái), Chầu phóng sì (Tày), Chổi hoàng kim, Chày kiằng đòi (Dao). Đây là cây thảo, sống lâu năm, leo bằng thân quấn, thân non mầu tím, có lông, phía sau nhẵn, cành non, có cạnh, lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, thuôn nhọn, cứng.

  • Tên tiếng Việt: Ba kích, Ruột gà, Thao tày cáy (Mán), Ba kích thiên, Sáy cáy (Thái), Chầu phóng sì (Tày), Chổi hoàng kim, Chày kiằng đòi (Dao)
  • Tên khoa học: Morinda officinalis How
  • Họ: Rubiaceae (Cà phê)
  • Công dụng: Thuốc bổ dương, mạnh gân cốt, trừ phong tê thấp, hạ huyết áp; chữa liệt dương, xuất tinh sớm, di mộng tinh, bổ não (Rễ).

Ba kích là gì?

Ba kích ( Morinda officinalis How)

1. Thông tin khoa học

  • Tên khoa học: Morinda officinalis How
  • Tên khác: Ba kích, Ruột gà, Thao tày cáy (Mán), Ba kích thiên, Sáy cáy (Thái), Chầu phóng sì (Tày), Chổi hoàng kim, Chày kiằng đòi (Dao).
  • Họ: Cà Phê (Rubiaceae.)
  • Phân bố: Cây mọc hoang và được trồng ở một số vùng đồi núi nước ta.

2. Mô tả:

  • Cây thảo, sống lâu năm, leo bằng thân quấn. Thân non mầu tím, có lông, phía sau nhẵn. Cành non, có cạnh. Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, thuôn nhọn, cứng, dài 6-14cm, rộng 2,5-6cm, lúc non mầu xanh lục, khi già mầu trắng mốc. Lá kèm mỏng ôm sát thân.
  • Cụm hoa mọc thành tán ở đầu, hoa nhỏ, lúc non mầu trắng, sau hơi vàng, tập trung thành tán ở đầu cành, dài 0,3-1,5cm, đài hoa hình chén hoặc hình ống gồm những lá đài nhỏ phát triển không đều. Tràng hoa dính liền ở phía dưới thành ống ngắn.
  • Quả hình cầu, khi chín mầu đỏ, mang đài còn lại ở đỉnh.
  • Mùa hoa: tháng 5-6, mùa quả: tháng 7-10.

3. Cây gây nhầm lẫn: 

3.1. Một số cây có thể nhầm lẫn với Ba kích tím do hình dáng cây:

  • Ba kích lông (Morinda cochinchinensis Lour.).
  • Cây Mặt quỷ (Morinda villosa Wall. Ex Hook, f).
  • Cây có rễ nhỏ, cứng. Thân lá nhẵn. Hoa và quả tụ. Cây rất rễ nhầm lẫn với loài Ba kích quả tụ (Morinda sp.)
  • Dây Giang mủ (Zygostelma benthami Baillon var. lineare Cost).
  • Dây leo. Rễ có vỏ mỏng và cứng, lõi gỗ to. Lá không có lá kèm, có nhựa mủ trắng. Quả thuôn dài. Năm 1980, cây này đã được một số thương lái thu mua với cái tên “Ba kích”

3.2. Và một số loại cây khác do nhầm lẫn vì cùng tên gọi “dây ruột gà” trong nhân dân:

  • Sam trắng (Bacopa monnieri Lour.).
  • Mộc thông (Clematis chinensis Osbeck).
  • Cây bụi, lá kép gồm 5 lá chét có cuống dài. Hoa màu trắng mọc ở kẽ lá. Quả bế, hình trứng, dẹt, có vòi dài, nhiều lông.

3.3. Nhầm lẫn do hình ảnh trên mạng

  • Viễn chí là một loại dược liệu rất dễ nhầm lần với Ba kích.
  • Viễn chí hình thái bên ngoài khá giống Ba kích, nhưng củ nhỏ hơn, thường có màu tím hoặc hơi đỏ, củ khá đồng nhất.
  • Chính vì màu đỏ tím của củ Viễn chí làm nhiều người mua hàng thiếu kinh nghiệm nhầm lẫn, dùng Viễn Chí ngâm rượu để cải thiện sinh lý nam nhưng không hề có tác dụng. Các hình quảng cáo trên mạng thường sử dụng cây viễn chí để lôi kéo khách hàng.

3.4. Các loại Ba Kích hiện có trên thị trường:

  • Hiện tại, Ba kích được bán ở cả dạng dược liệu đã phơi khô và dạng tươi.
  • Ba kích tươi dễ dàng phân biệt nguồn gốc hơn, cũng dễ dàng thẩm định chất lượng hơn.
  • Ba kích tươi ở Quảng Ninh, Thái Bình… thường có củ lớn hơn ở Lào Cai, Hà Giang nhưng cả 2 loại này đều có vỏ vàng đậm, kích thước củ chủ <3cm, khúc khuỷu, phân nhiều đoạn, khác hoàn toàn với loại Ba kích Trung Quốc to, mập, kích thước lớn nhưng thường xốp và nhiều nước hơn.
  • Ba kích khô thường rất khó phân biệt, tuy nhiên Ba kích Trung Quốc do đã bị hấp chiết lấy hết dược chất nên thể chất thường nhũn và xốp.

4. Phân bố, hình thái: 

  • Chi Morinda L. có vài chục loài trên thế giới gồm phân lớn là là những cây bụi, gỗ nhỏ hoặc dây leo, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam hiện đã biết khoảng gần chục loài. Trong số 3 -4 loài dây leo, ba kích là một cây thuốc quan trọng. Ba kích mới chỉ thấy phân bố ở một số tỉnh trung du và miền núi Hòa Bình và Hà Tây. Một vài địa phương khác cũng đã phát hiện thấy cây Ba kích nhưng không đáng kể. Cây còn phân bố ở tỉnh Quảng Tây, Vân Nam…của Trung Quốc.
  • Ba kích là cây ưa ẩm, ưa sáng và hơi chịu bóng khi còn non. Trong tự nhiên thường thấy Ba kích trong các kiểu rừng thứ sinh hoặc rừng xen tre nứa (ít). Độ cao phân bố phổ biến thường dưới 300m, trên các loại đất feralit đỏ vàng hay đỏ và hơi chua. Đó cũng là một trong các lí do giải thích tại sao trồng Ba kích ở vùng đồng bằng thấy khó khăn. Cây sinh trưởng mạnh vào mùa hè, ra hoa quả trong vụ hè thu, đến mùa đông nếu gặp sương muối nhiều, cây bị rụng lá. Trong điều kiện trồng trọt, cây có giá thể leo và được chiếu sáng đầy đủ sẽ ra hoa nhiều nhưng lượng kết quả thấp. Cây Ba kích tự nhiên thường có ít hoa quả hơn cây trồng. Ba kích có khả năng tái sinh cây chồi tốt, sau khi bị chặt phá quá nhiều lần. Ngoài ra bằng cách giâm cành và thân rễ cũng tạo được những cây con.
  • Ba kích là một cây thuốc quý, vừa có giá trị sử dụng trong nước, vừa được xuất khẩu. Trước năm 1975, mỗi năm có thể thu mua được vài chục tấn. Việc khai thác quá mức và rừng thường xuyên bị tàn phá đã làm cho cây thuốc này trở nên hiếm. Tuy nhiên, Ba kích bước đầu đã được đưa vào trồng xen trong các mô hình vườn – trang trại ở trung du có kết qủa.

5. Cách trồng: 

Tuy là cây thuốc khá độc đáo của Việt Nam, nhưng ba kích vẫn chưa được trồng trên diện rộng và nghiên cứu sâu về mặt trồng trọt. Nhưng kết quả nghiên cứu bước đầu về mặt này có thể tóm tắt như sau:

  • Ba kích có thể trồng trên đất nhiều mùn, tơi xốp, hơi chua ở các vùng núi thấp và trung du, có nhiệt độ trung bình hằng năm từ 21 đến 23 độ C.
  • Cây có thể nhân giống bằng hạt hoặc bằng cành giâm. Khi quả chín thu hạt và đem gieo ngay trong vườn ươm sẽ cho hiệu quả tốt.
  • Cành bánh tẻ dài 20 -30cm, chứa 2 -4 mắt ngủ hoặc dài 50cm(cuộn lại) chọn từ cây khỏa mạnh, được giâm trong vườn ươm hoặc có thể trồng thẳng ra ruộng. Còn có thể sử dụng phần gốc sau khi đã thu hoạch rễ và cắt bỏ phần thân để làm giống.
  • Có nhiều vấn đề về nhân giống Ba kích chưa được nghiên cứu như những yếu tố liên quan đến vấn đề kết hạt, sức sống của hạt, năng suất và chất lượng cũng như kỹ thuật bảo quản hạt giống, biện pháp xử lý cành giâm để kích thích nảy mầm…
  • Về mặt thời vụ, gieo trồng trong vườn ươm nên tiến hành vào tháng 2 -3 còn thời vụ trồng ra ruộng có thể cả tháng 8 – 9. Vào các thời điểm này, không khí tương đối mát mẻ và đủ độ ẩm tạo thuận loại cho cây bám rễ. Việc chọn thời điểm nào để trồng còn phụ thuộc vào tuổi của cây giống: tốt nhất là cây giống có tuổi từ 7 – 12 tháng.
  • Đất trồng có thể là lên luống cao 20 -30cm, rộng 40cm. rộng 40cm nếu trồng 1 hàng hoặc rộng hơn nếu trồng 2 hàng. Sau đó bổ hốc cách nhau khoảng 1m và bón lót phân chuồng hoai mục ( 4 -8 tấn/ha) + phân vi sinh (400 – 800kg/ha). Sau khi cây bén rễ, cần định kỳ tưới thúc bằng nước phân chuồng hoặc phân đạm.
  • Là cây ưa sáng, nhưng ở thời kỳ cây con ba kích lại ưa bóng nên bắt buộc phải làm giàn che. Do đặc tính này ba kích có thể trồng xen trong vườn rừng khi cây chính chưa phát triển hoặc với các cây ngắn ngày như rau, đậu, khoai sọ hay các cây có yêu cầu đốn hàng năm như dâu, cốt khí củ. Khi cây lớn cần làm giàn leo.
  • Thời gian đầu, ba kích cần được tưới đủ ẩm và làm cỏ thường xuyên. Khi được một năm tuổi trở nên, hệ rễ của Ba kích bắt đầu phát triển, vì vậy không được cuốc xới quanh gốc mà phải làm cỏ bằng tay. Cây trồng được 2 năm bắt đầu ra hoa, kết quả. Những năm sau, số cây có hoa tăng dần. Cây có đủ giàn leo ra hoa nhiều hơn.
  • Thiên địch đáng kể nhất của Ba kích là dế mèn và chuột. Cần có những biện pháp thích hợp để phòng chống hai đối tượng này.
  • Về thời gian thu hoạch, các tài liệu hiện có chưa thống nhất; ít nhất là sau 3 năm mới có thể thu hoặc được, thời điểm thu hoặc thường là tháng 10 – 12 hoặc vào đầu xuân để tận dụng lấy giống trồng cho vụ sau.
  • Khi thu hoạch, dùng cuốc đào lấy toàn bộ rễ đem sơ chế.

6. Bộ phận dùng: 

  • Rễ phơi hay sấy khô của cây Ba kích (Morinda officinalis How.), họ Cà phê (Rubiaceae).

7. Tác dụng dược lý:

  • Tăng sức dẻo dai: Với phương pháp chuột bơi, Ba Kích với liều 5-10g/kg dùng liên tiếp 7 ngày thấy có tác dụng tăng sức dẻo dai cho súc vật thí nghiệm (Trung Dược Học).
  • Tăng sức đề kháng: dùng phương pháp gây nhiễm độc cấp bằng Ammoni Clorua trên chuột nhắt trắng, với liều 15g/kg, Ba Kích có tác dụng tăng cường sức đề kháng chung của cơ thể đối với các yếu tố độc hại (Trung Dược Học).
  • Chống viêm: Trên mô hình gây viêm thực nghiệm ở chuột cống trắng bằng Kaolin với liều lượng 5-10g/kg, Ba Kích có tác dụng chống viêm rõ rệt (Trung Dược Học).
  • Đối với hệ thống nội tiết: thí nghiệm trên chuột lớn và chuột nhắt cho thấy Ba Kích không có tác dụng kiểu Androgen nhưng có thể có khả năng tăng cường hiệu lực của Androgen hoặc tăng cường quá trình chế tiết hormon Androgen (Trung Dược Học).
  • Nước sắc Ba Kích có tác dụng tương tự như ACTH làm cho tuyến ức chuột con bị teo (Trung Dược Học).
  • Nước sắc Ba Kích có tác dụng làm tăng co bóp của chuột và hạ huyết áp (Trung Dược Học).
  • Không có độc. LD50 của Ba Kích được xác định trên chuột nhắt trắng bằng đường uống là 193g/kg (Trung Dược Dược lý, Độc lý Dữ Lâm Sàng).

8. Thành phần hoá học chính: 

  • Trong ba kích có gentianine, carpaine, choline, trigonelline, yamogenin,gitogenine, tigogenin, vitexin, orientin, quercetin, luteolin, vitamin B1, rubiadin, rubiadin­1­methylether.
  • Trong rễ chứa thành phần hóa học chính là các hợp chất anthranoid: tectoquinon, 1 – hydroxyl – 2, 3­ dimethyl – anthraquinon….., ngoài ra còn antraglycozid, các hợp chất iridoid: asperulosid, morofficialosid….,đường, nhựa, acid hữu cơ, phytosterol và ít tinh dầu, morindin, rễ tươi có chứa vitamin C (Đỗ Tất Lợi, 2005).
  • Để nghiên cứu các thành phần hóa học từ rễ cây ba kích phương pháp sắc ký cột silica gel và Sephadex LH­20 được sử dụng và các cấu trúc hóa học đã được làm sáng tỏ trên cơ sở phân tích quang phổ, kết quả có 17 hợp chất được xác định bao gồm: physcion; 1­hydroxy­2methylanthraquinone; 2­hydroxy­1methoxyanthraquinone; rubiadin; rubiadin 1­ methylether; 1,3­dihydroxy­2methoxyanthraquinone; 3­hydroxy­2­methylanthraquinone;digiferruginol;1,2­dimetoxy3­hydroxyanthraquinone;13­dihydroxy­2­hydroxymethyl­anthraquinone; lucidin ether ώ­ethyl; axit­anthraquinone­2 carboxylic; 7­hydroxy­6­methoxy­coumarin; acid fumaric; stimasterol; daucosterol; β­sitosterol (Zhang Hai­Long và cộng sự, 2010).
  • Bên cạnh đó Zhongguo và cộng sự (1995) đã phân lập từ rễ của Morinda officinalis được năm hợp chất có hoạt động chống trầm cảm.Bằng phương pháp hóa học và quang phổ các hợp chất này được xác định là: axit succinic, nystose, 1F­fructofuranosylnystose.
Ba kích Kon Tum
Ba kích tím Kon Tum

9. Tính vị, Công năng: 

Ba kích có vị ngọt, tính ấm vào kinh thận. Giúp ôn thận, tráng dương, cường tráng cân cốt, khử phong thấp.

10. Công dụng: 

Trong nhân dân, ba kích được dùng phổ biến làm thuốc bổ tăng lực. Qua điều trị thử nghiệm đạt kết quả:

  • Đối với những bệnh nhân nam có hoạt động sinh dục không bình thường, Ba Kích có tác dụng làm tăng khả năng giao hợp, đặc biệt đối với những trường hợp giao hợp yếu và thưa. Ba Kích có tác dụng tăng cường sức dẻo dai, mặc dầu nó không làm tăng đòi hỏi tình dục, không thấy có tác dụng kiểu Androgen. Tuy không làm thay đổi tinh dịch đồ nhưng trên thực tế có tác dụng hỗ trợ và cải thiện hoạt động sinh dục cũng như điều trị vô sinh cho những nam giới có trạng thái vô sinh tương đối và suy nhược thể lực. Còn các trường hợp tinh dịch ít, tinh trùng chết nhiều, không có tinh trùng, không xuất tinh khi giao hợp thì xử dụng Ba Kích chưa thấy kết quả (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
  • Đối với cơ thể những người tuổi già, những bệnh nhân không biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, ngủ ít, gầy yếu mà không thấy có những yếu tố bệnh lý gây nên và 1 số trường hợp có đau mỏi các khớp, Ba Kích có tác dụng tăng lực rõ rệt, thể hiện qua những cảmgiác chủ quan như đỡ mệt mỏi, ăn ngon, ngủ ngon và những dấu hiệu khách quan như tăng cân nặng, tăng cơ lực. Còn đối với bệnh nhân đau mỏi các khớp thì sau khi dùng Ba Kích dài ngày, các triệu chứng đau mỏi giảm rõ rệt (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
  • Theo tài liệu cổ, ba kích chữa dương ủy di tinh, phong thấp cước khí, gân cốt yếu mềm, lưng gối mỏi đau. Là một vị thuốc bổ trí não và tinh khí, di mộng tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều, bệnh phong thấp.

Kiêng kị: đối với bệnh nhân âm hư hỏa vượng, đại tiện táo kết không nên dùng.

11. Cách dùng, liều lượng: 

Ngày 8-16g dưới dạng thuốc sắc hay rượu thuốc. Phối hợp trong các phương thuốc bổ thận.

Chế biến:

  • Dùng nước Câu Kỷ Tử ngâm Ba Kích 1 đêm cho mềm, lấy ra ngâm rượu 1 đêm, vớt ra, sao với Cúc Hoa cho vàng thuốc, dùng vải lau sạch, để dành dùng (Lôi Công Bào Chích Luận).
  • Ngâm với rượu 1 đêm cho mềm, xắt nhỏ, sấy khô, để dành dùng (Bản Thảo Cương Mục).
  • Dùng Cam Thảo, giã dập, sắc, bỏ bã. Cho Ba Kích vào nấu cho đến khi xốp mềm, rút lõi, phơi khô. Liều lượng: 6kg Cam Thảo cho 100kg Ba Kích (Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển)
  • Diêm Ba Kích: Trộn Ba Kích với nước Muối (20g Muối cho 1kg Ba Kích), cho vào chõ, đồ, rút lõi, phơi khô (Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Rửa sạch, ủ mềm, bỏ lõi, thái nhỏ rồi tẩm rượu 2 giờ, sao qua hoặc nấu thành cao lỏng [1ml = 5g] (Phương Pháp  Bào chế Đông Dược Việt Nam).

12. Bài thuốc:

1. Trị liệt dương, ngũ lao, thất thương, ăn nhiều, hạ khí:

Ba kích thiên, Ngưu tất (sống)  đều 3 cân ngâm với 5 đấu rượu, uống (Thiên Kim Phương).

2. Trị phụ nữ tử cung bị lạnh, kinh nguyệt không đều, xích bạch đới hạ:

Ba kích 120g, Lương khương 20g, Tử kim đằng 640g, Thanh diêm 80g, Nhục quế (bỏ vỏ)160g, Ngô thù du 160g. Tán bột. Dùng rượu hồ làm hoàn. Ngày uống 20 hoàn với rượu pha muối nhạt (Ba Kích Hoàn – Cục Phương).

 3. Trị lưng đau do phong hàn, đi đứng khó khăn:

Ba kích 60g, Ngưu tất 120g, Khương hoạt 60g, Quế tâm 60g, Ngũ gia bì 60g, Đỗ trọng (bỏ vỏ, sao hơi vàng) 80g, Can khương (bào) 60g. Tán bột, trộn mật làm hoàn, uống với rượu ấm (Ba Kích Hoàn – Thánh Huệ Phương).

 4. Trị tiểu nhiều:

Ích trí nhân, Ba kích thiên (bỏ lõi), 2 vị chưng với rượu và muối, Tang phiêu tiêu, Thỏ ty tử (chưng  với rượu). Lượng bằng nhau. Tán bột. Dùng rượu chưng hồ làm hoàn to bằng hạt ngô đồng lớn, mỗi lần uống 12 viên với rượu pha muối hoặc sắc thành thang uống với muối ( Kỳ Hiệu Lương Phương).

 5. Trị bạch trọc:

Thỏ ty tử (chưng rượu 1 ngày, sấy khô), Ba kích (bỏ lõi, chưng rượu), Phá cố chỉ (sao), Lộc nhung, Sơn dược, Xích thạch chi, Ngũ vị tử đều 40g. Tán bột, Dùng rượu hồ làm hoàn, uống lúc đói với nước pha rượu (Phổ Tế Phương).

 6. Trị bụng đau, tiểu không tự chủ:

Ba kích (bỏ lõi), Nhục thung dung, Sinh địa đều 60g, Tang phiêu tiêu, Thỏ ty tử, Sơn dược, Tục đoạn đều 40g, Sơn thù du, Phụ tử (chế), Long cốt, Quan quế, Ngũ vị tử đều 20g, Viễn chí 16g, Đỗ trọng (ngâm rượu, sao) 12g, Lộc nhung 4g. Tán bột, làm hoàn 10g. Ngày uống 2-3 hoàn (Ba Kích Hoàn – Chứng Trị Chuẩn Thằng).

 7. Trị mạch yếu, mặt trắng nhạt, buồn sầu ca khóc:

Ba kích (bỏ lõi), Hồi hương (sao), Nhục thung dung (tẩm rượu), Bạch long cốt, Ích trí nhân, Phúc bồn tử, Bạch truật, Mẫu lệ, Thỏ ty tử, Cốt toái bổ (bỏ lông), Nhân sâm đều 40g. Tán bột, ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-20g (Ba Kích Hoàn – Y Học Phát Minh).

 8. Trị Thận bị hư hàn, lưng và gối đau, liệt dương, tiểu nhiều, không muốn ăn uống, xương khớp yếu, đứng ngồi không có sức, bàng quang bị yếu lạnh, vùng rốn và bụng đầy trướng:

Ba kích 30g, Bạch linh 22g, Chỉ xác 22g, Hoàng kỳ 22g, Lộc nhung 30g, Mẫu đơn 22g, Mộc hương 22g, Ngưu tất 22g, Nhân sâm22g, Nhục thung dung  30g, Phụ tử  30g, Phúc bồn tử 22g, Quế tâm 22g, Sơn thù 22g, Tân lang 22g, Thạch hộc 30g, Thục địa 30g, Thự dự 22g, Tiên linh tỳ 22g, Trạch tả 22g, Tục đọan 22g Viễn chí 22g, Xà sàng tử 22g. Tán bột, hoà mật làm hoàn. Ngày uống 16 – 20g với rượu nóng, lúc đói (Ba Kích Hoàn – Thái Bình Thánh Huệ Phương).

 9. Trị thận bị hư lao, lưng và chân đau, chảy nước mắt sống, hoảng sợ, khát, ăn uống không tiêu, bụng ngực thường đầy trướng, tay chân tê đau, nôn ra nước chua, bụng dưới lạnh đau, tiểu són, táo bón:

Ba kích 30g, Bá tử nhân  22g, Bạch linh 22g, Đỗ trọng 22g, Ngũ gia bì 22g, Ngưu tất 22g, Nhục thung dung 30g, Phòng phong 22g, Phúc bồn tử 22g, Thạch hộc 22g, Thạch long nhục 22g, Thạch nam 22g, Thiên hùng 30g, Thiên môn 40g, Thỏ ty tử  30g, Thục địa30g, Thự dự  22g, Trầm hương 30g, Tục đoạn 30g, Tỳ giải22g, Viễn chí 22g, Xà sàng tử  22g. Tán bột, trộn mật làm hoàn, ngày uống 16 -20g với rượu nóng, lúc đói (Ba Kích Hoàn – Thánh Huệ Phương).

10. Trị nguyên khí bị hư thoát, mặt xạm đen, miệng khô, lưởi dính, hay mơ, hoảng sợ, chảy nước mắt sống, tai ù như ve kêu lưng nặng, đau, các khớp xương đau nhức, âm hư, ra mồ hôi trộm tay chân không có sức, tử cung bị lạnh, kinh nguyệt không đều xích bạch đới hạ:

Ba kích 90g, Lương khương 180g, Ngô thù 120g, Nhục quế 120g, Thanh diêm 60g, Tử kim đằng 500g.  Tán bột, trộn với rượu nếp làm hoàn. Ngày uống 16 – 20g với rượu hoà ít muối hoặc nước muối loãng (Ba Kích Hoàn – Thái Bình Huệ Dân Hòa Tễ Cục Phương).

11. Trị liệt dương:

Ba kích 30g, Đỗ trọng 30g, Ích trí nhân 30g, Ngũ vị tử 30g, Ngưu tất 30g, Nhục thung dung 60g, Phục linh 30g, Sơn dược 30g, Sơn thù 30g, Thỏ ty tử 30g, Tục đoạn 30g, Viễn chí  30g, Xà sàng tử 30g. Tán bột. Luyện mật làm hoàn, ngày uống 12 – 16 g với rượu, lúc đói (Ba Kích Hoàn – Ngự Dược Viện).

12. Trị bụng ứ kết lạnh đau, lưng đau, gối mỏi, 2 chân yếu, khớp xương đau, chuột rút, thận hư, liệt dương :

Ba kích 18g, Đương quy 20g, Khương hoạt 27g, Ngưu tất 18g,   Sinh khương  27g, Thạch hộc 18g, Tiêu 2g.  Giã nát, cho vào bình, thêm 2 lít rượu vào, đậy kín, bắc lên bếp, nấu 1 giờ, sau đó ngâm trong nước lạnh cho nguội. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15  –  20ml (Ba Kích Thiên – Thánh Tế Tổng Lục).

13. Bổ thận, tráng dương, tăng trưởng cơ nhục, dưỡng sắc đẹp:

Ba kích (bỏ lõi ) 60g, Cam cúc hoa 60g, Câu kỷ tử 30g, Phụ tử (chế) 20g, Thục địa 46g, Thục tiêu 30g. Tán bột, cho vào bình, ngâm với 3 lít rượu. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 15 –  20ml,  lúc đói (Ba Kích Thục Địa Tửu –  Nghiệm Phương)

14. Trị sán khí do Thận hư:

Ba kích thiên, Hoàng bá, Quất hạch, Lệ chi hạch, Ngưu tất, Tỳ giải, Mộc qua,  Kim linh tử,  Hoài sơn, Địa hoàng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

15. Trị liệt dương:

Ba kích thiên, Bá tử nhân, Bổ cốt chỉ, Câu kỷ tử , Lộc nhung, Ngũ vị tử, Nhục thung dung, Sơn thù du (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

16. Trị mộng tinh:

Ba kích thiên, Bá tử nhân, Hoàng bá, Liên tu, Lộc giác, Phúc bồn tử, Thiên môn, Viễn chí (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

17. Trị liệt dương, di tinh, tiết tinh do Thận dương hư:

Thỏ ty tử, Nhục thung dung (Trung Dược Học).

18. Trị tiểu nhiều, tiểu không tự chủ do Thận dương hư:

Bổ cốt chỉ, Phúc bồn tử (Trung Dược Học).

19. Trị gân cơ sưng đau, gân cơ suy yếu, teo cơ, khớp đau mạn tính do Thận hư:

Đỗ trọng, Ngưu tất, Tục Đoạn (Trung Dược Học).

20. Trị liệt dương, tảo tinh, tiết tinh, lưng đau, vô sinh (ở nữ) do Thận dương hư:

Ba kích thiên 12g, Ngũ vị tử 6g, Nhân sâm 8g, Thục địa 16g, Nhục thung dung, Long cốt, Cốt toái bổ đều 12g. Tán bột, trộn mật làm hoàn 12g. Ngày uống 2-3 lần  (Ba Kích Thiên Hoàn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

21. Trị lưng đau, di tinh, hoạt tinh do Thận hư:

Ba kích thiên, Đảng sâm, Phúc bồn tử, Thỏ ty tử, Thần khúc đều 12g, Sơn dược 24g. Tán bột, luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 12g, ngày 2-3 lần (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

22.  Trị người lớn tuổi lưng đau, chân tê, chân yếu, chân mỏi:

Ba kích thiên, Xuyên tỳ giải, Nhục thung dung, Đỗ trọng, Thỏ ty tử, lượng bằng nhau, Lộc thai 1 bộ. Tán nhuyễn, trộn với mật làm hoàn. Mỗi lần uống 8g, ngày 2-3 lần với nước ấm  (Kim Cương Hoàn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

23. Trị phong thấp đau nhức, cước khí, phù:

Ba kích, Đỗ trọng, Ngưu tất, Tục đoạn đều 12g, Tang ký sinh 10g, Sơn thù nhục 8g, Hoài sơn 16g. Sắc uống (Ba Kích Khu Tý Thang – Trung Dược Thường Dụng Lâm Sàng).

24. Trị huyết áp cao thời kỳ tiền mãn kinh:

Ba kích thiên, Tiên mao, Hoàng bá, Dâm dương hoắc, Tri mẫu, Đương qui, mỗi thứ 20 – 28g, sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Lưu ý: Tất cả những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, việc sử dụng dược liệu như thuốc uống cần có sự tư vấn trực tiếp của bác sĩ.