Tây Nguyên, vùng đất vẫn luôn làm người ta ngạc nhiên với những món ăn cùng cách chế biến cầu kì, có phần “lạ” nhưng hương vị thì đảm bảo ai ăn một lần rồi sẽ nhớ mãi. Nếu ai đó đã từng ghé thăm thành phố miền núi Kon Tum, từng bị mê hoặc bởi làn sương mờ buổi sáng tại thị trấn Măng Đen, thì bây giờ hành dành thêm chút thời gian để tìm hiểu về món thịt hun khói tại đây. Món thịt khô quyện cùng mùi khói, cay cay thơm thơm của gia vị rừng khiến bao du khách ăn một lần là mê mẫn.
Thịt hun khói – Món ngon của núi rừng Măng Đen
Núi rừng Gia Lai, Kon Tum không chỉ nổi tiếng bởi nguồn dược liệu phong phú, bạt ngàn đồi núi mà nơi đây còn là một trong những đàn bò lớn nhất cả nước với 700.000 con. Bò cỏ Tây Nguyên nổi tiếng với món thịt bò một nắng muối kiến vàng, là nguồn cung thực phẩm cho đồng bào nơi đây từ hàng chục năm qua. Thịt bò được lựa chọn làm thịt hun khói phải là thịt mông, đùi ngon, đem cắt miếng dọc theo thớ dài rồi ướp với các loại gia vị đặc trưng của núi rừng Măng Đen. Thịt chắc và mềm, quyện cùng với vị tiêu rừng, mắc khén, hạt dổi và một thứ đặc biệt nhất làm nên hương vị thịt hun khói Măng Đen, đó chính là gỗ cà phê và một vài loại gỗ rừng khác, những thứ gỗ này đã tạo ra hương khói có một không hai, làm nên món đặc sản trứ danh này.
Cho dù ngày hè cũng như ngày đông, thời tiết Măng Đen vẫn luôn mát lạnh quanh năm. Đến thăm Măng Đen, ngồi bên bếp lửa ấm nồng, uống chén rượu sim, cắn miếng thịt hun khói xé sợi thì đúng là không còn gì bằng. Vị thơm của rượu sim Măng Đen quyện cùng mùi thịt hun khói, xộc lên mà thấy ấm nóng cả người, xua tan đi cái lạnh giá của núi rừng.
Vốn được người dân tộc làm với mục đích dự trữ mang theo làm lương thực những ngày lên nương làm rẫy nên dù được làm thủ công hoàn toàn và không có sự hỗ trợ của chất bảo quản, thịt hun khói vẫn có thể được bảo quản trong cả tháng trời mà không lo mốc hỏng. Cũng bởi tính chất này mà nhiều người thường thích mua cả mấy cân mang về nhà cất trong tủ lạnh, dùng làm đồ ăn vặt vui miệng hoặc đồ nhắm cho những bữa nhậu với bạn bè.